Ngày 20/5/2024, Thủ tướng Chính phủ
Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số
16/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản
hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thời gian qua, công tác cải cách thủ
tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số quốc
gia là một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều
văn bản chỉ đạo; nhiều chương trình, đề án, kế hoạch đã được triển khai; các bộ,
ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng. Công tác cải cách TTHC đã đạt được
những kết quả tích cực, nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng góp phần tăng
trưởng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh
tranh quốc gia, cắt giảm chi phí cho xã hội.
Tuy nhiên, qua kết quả thực hiện tại
các bộ, ngành, địa phương và phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, vẫn
còn những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách TTHC như: (1) Một số quy định,
TTHC tại một số văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) còn chồng chéo, mâu thuẫn;
(2) Quy định về thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết một số TTHC còn qua nhiều tầng
nấc, khâu trung gian; (3) TTHC nội bộ trong từng bộ, cơ quan, địa phương và giữa
các cơ quan hành chính nhà nước với nhau còn phức tạp; (4) Việc cắt giảm, tháo
gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân còn hạn chế; tại một số cơ quan, đơn vị,
địa phương nhất là ở cơ sở vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực; (5) Việc
tiếp nhận, giải quyết TTHC chủ yếu theo phương thức truyền thống hồ sơ giấy,
theo địa giới hành chính.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là
chủ yếu, như: (1) Công tác cải cách TTHC tại một số bộ, ngành, địa phương vẫn
chưa được quan tâm đúng mức; (2) Thói quen làm việc theo phương thức truyền thống,
chưa theo kịp với tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ; (3) Trình độ của một
số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò, trách
nhiệm trong thực thi công vụ; (4) Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị
còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ, kịp thời; (5) Hạ tầng công nghệ thông tin
còn yếu, thiếu đồng bộ, nhiều hệ thống đã được đầu tư từ lâu, chưa được nâng cấp,
phát triển.
Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những
tồn tại, hạn chế nêu trên và tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa TTHC tại
các bộ, ngành, địa phương phục vụ người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ
yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo và
tổ chức thực hiện nghiêm, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về
cải cách TTHC tại các Chương trình, Đề án, Kế hoạch đã được Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024
của Chính phủ, Kế hoạch cải cách TTHC trọng tâm năm 2024, Chỉ thị số 27/CT-TTg
ngày 27/10/2023, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ,
trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng
các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện nghiêm
việc cải cách, cắt giảm TTHC ngay trong quá trình xây dựng VBQPPL, tăng cường
kiểm soát chặt chẽ, đánh giá tác động chính sách cụ thể đối với quy định TTHC.
Đồng thời, chấn chỉnh, rà soát và đề xuất sửa đổi các quy định để tránh gây bất
cập, mâu thuẫn trong việc giao địa phương ban hành văn bản quy định bộ phận tạo
thành của TTHC theo đúng quy định của Luật ban hành VBQPPL.
Tập trung xây dựng các văn bản thuộc
thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ để thực thi ngay các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên
quan đến hoạt động kinh doanh; phân cấp trong giải quyết TTHC.
Khẩn trương rà soát, đề xuất phương
án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực được giao, nhất là TTHC trong
lĩnh vực đất đai, nhà ở xã hội, tín dụng, tài nguyên khoáng sản… và các giấy
phép liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Kế hoạch cải cách TTHC trọng tâm
năm 2024.
Tập trung triển khai cắt giảm, đơn
giản hóa các TTHC liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp theo Chương trình cắt giảm,
đơn giản hóa sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm cắt giảm yêu cầu nộp
Phiếu lý lịch tư pháp không hợp lý trong thực hiện TTHC, bảo đảm tiến độ, thực
chất, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác truyền thông trong cải cách TTHC để người
dân, cộng đồng doanh nghiệp biết và đồng hành cùng Chính phủ.
Bảo đảm các điều kiện cần thiết để
thực hiện chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện
TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử từ ngày 01/7/2024.
Tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp
nhận, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp;
tăng cường đối thoại, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, khó khăn về cơ chế,
chính sách, TTHC; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác giải
quyết TTHC. Tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra cải cách TTHC nhằm
nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời xử
lý các trường hợp né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm. Định kỳ hằng tháng
công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết
định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ
công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng thông tin điện tử của bộ,
cơ quan, địa phương.
Người dân và doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện thủ tục
hành chính trực tuyến vui lòng truy cập Cổng dịch vụ công của tỉnh tại địa chỉ:
https://dichvucong.dongnai.gov.vn
Nếu gặp khó khăn vướng
mắc trong quá trình thực hiện TTHC, vui lòng liên hệ Tổng đài Dịch vụ công của
tỉnh qua số điện thoại: 0251.1022