Ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan nhà nước tăng cường sử dụng văn bản điện tử, tiến tới thay văn bản giấy, thay đổi tư duy, cách thức làm việc kiểu cũ và đặc biệt nâng cao tốc độ, hiệu quả xử lý công việc. Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Thông tư số 01/2019/TT-BNV và thông tư số 02/2019/TT-BNV hướng dẫn quy trình quản lý văn bản đi – đến, lưu trữ tài liệu điện tử.

Zalo

Trên cơ sở đó, tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 5206/KH-UBND triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện hiệu quả công tác gửi nhận văn bản trên địa bàn tỉnh, mở rộng đối tượng sử dụng văn bản điện tử từ cơ quan nhà nước đến các đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước… Cụ thể: ban hành các quy định cần thiết phù hợp với thực tiễn quản lý địa phương, chuẩn hóa, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin (cấp phát chữ ký số, phần mềm, an ninh thông tin…), tập huấn nghiệp vụ, kĩ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức… Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai đã bước đầu triển khai quản lý điều hành công việc, quản lý văn bản trên đa thiết bị: máy tính, điện thoại di động và tablet, cho phép ký duyệt văn bản bằng sim CA.

Tại Hội nghị một số đơn vị cung cấp công nghệ quản lý văn bản đã trình bày các giải pháp phần mềm quản lý văn bản, công việc đáp ứng các quy định tại Quyết định 28/2018/QĐ-TTg, thông tư số 01/2019/TT-BNV và mở ra nhiều tính năng mới tạo thuận lợi cho người dùng.

Zalo

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh tính tất yếu của việc thực hiện quản lý văn bản điện tử. Để đẩy nhanh việc triển khai Kế hoạch của tỉnh, đồng chí Trần Văn Vĩnh yêu cầu mỗi đơn vị, địa phương cần xây dựng các kế hoạch cụ thể, nắm rõ các nhiệm vụ, mục tiêu để chủ động thực hiện tại đơn vị. Song song với đó cần có sự chuyển đổi tư duy, hiện đại hóa cách thức làm việc từ lãnh đạo đến các chuyên viên: xử lý kịp thời, nhanh chóng công việc, loại bỏ tình trạng ngâm hồ sơ, tư duy giấy tờ. Tuy nhiên, đồng chí Trần Văn Vĩnh lưu ý công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin để phát huy được toàn diện hiệu quả của văn bản điện tử. Đồng thời, đồng chí cũng khuyến khích sự tham gia của các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế, các công ty nhà nước vào việc gửi nhận văn bản điện tử, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.