Từ ngày 1-7-2025, một dấu
ấn lớn trong tiến trình cải cách hành chính quốc gia chính thức được khởi động.
Cả nước chính thức vận hành nền hành chính với sự tinh gọn tại cấp địa phương
qua mô
hình chính quyền 2 cấp: cấp tỉnh và cấp xã. Từ sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo
của bộ máy mới, 95 xã, phường trong toàn tỉnh Đồng Nai đã đi vào vận hành nhịp
nhàng, hệ thống đường truyền được kết nối thông suốt, đồng bộ, thủ tục hành
chính (TTHC) xử lý hoàn toàn trên môi trường số không gián đoạn đã tạo điều kiện
cho người dân tiếp cận dịch vụ công nhanh chóng, minh bạch và thuận lợi.

Các quầy tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân đều được
bố trí trang trọng và thân thiện. Ảnh: N.Hà
Kỳ vọng đột phá từ chính
quyền địa phương 2 cấp
Sau gần 80 năm, mô hình
chính quyền địa phương 3 cấp đã chính thức được thay thế bằng mô hình mới: 2 cấp
- một cuộc cách mạng trong chính cách mạng. Đây không chỉ là việc giảm đầu mối,
mà là cách vận hành mới để tinh gọn, rõ trách nhiệm và nhanh chóng phục vụ người
dân.
Khí thế chuyển mình mạnh
mẽ bắt đầu từ “siêu phường” Trấn Biên - nơi có quy mô dân số gần 200 ngàn người,
đây cũng là phường có dân cư đông nhất tỉnh Đồng Nai. Trong tuần làm việc đầu
tiên, mỗi ngày có hàng trăm người dân đến Trung tâm Hành chính công phường Trấn
Biên để thực hiện các thủ tục. Tưởng chừng sẽ quá tải, nhưng nhờ sự chuẩn bị
chu đáo, mọi hồ sơ được xử lý nhanh gọn, chính xác.
Phó bí thư thường trực Đảng
ủy phường Trấn Biên Lâm Tấn Khải cho biết, phường đã có sự chuẩn bị từ sớm
trong rà soát, sắp xếp, phân công cơ quan, đơn vị, nhất là cán bộ, công chức
làm việc tại bộ phận hành chính công. Cùng với đó là trang bị cơ sở vật chất, hệ
thống đường truyền đảm bảo. Đến nay, bộ máy hành chính của phường đã vận hành
nhịp nhàng, trơn tru để người dân đến giải quyết TTHC không bị gián đoạn.
Chuyển đổi mô hình chính
quyền là thay đổi cả tư duy - cách làm - cách phục vụ. Tinh thần xuyên suốt của
cải cách lần này là: “Gần dân - Hiểu dân - Phục vụ dân” và người dân chính là
trung tâm của mọi cải cách. Nhờ mô hình 2 cấp, thời gian giải quyết thủ tục
hành chính tại tỉnh đã giảm từ 3 ngày xuống còn 1-2 ngày ở nhiều lĩnh vực như:
hộ tịch, đất đai, bảo hiểm y tế…
Ông Lê Duy Lệ, người dân
phường Trấn Biên, bộc bạch: “Các thủ tục, đặc biệt là lĩnh vực về đất đai, đều
được giải quyết nhanh theo đúng phiếu hẹn. Tôi thấy chính quyền 2 cấp hợp lòng
dân và được dân ủng hộ”.
Tại Trung tâm Phục vụ
hành chính công xã Đồng Phú, bộ phận hành chính bắt đầu mở cửa phục vụ người
dân từ 7h30 sáng. Trong tuần làm việc đầu tiên vận hành theo chính quyền 2 cấp,
hầu hết các quầy tiếp nhận hồ sơ tư pháp, địa chính - môi trường, xây dựng...
thường xuyên có người dân đến liên hệ giải quyết thủ tục.

Quy trình tiếp nhận, hướng dẫn và xử lý hồ sơ tại phường Đồng Xoài diễn
ra rất nhanh gọn, thuận tiện bởi đã được số hóa
Có mặt từ sớm để làm thủ
tục về đất đai, chị Trương Thị Thu Trang, người dân xã Đồng Phú, vui vẻ cho biết:
“Tôi cũng như nhiều người dân ở đây đều rất mong chờ sự đổi mới của chính quyền
địa phương 2 cấp gần dân, sát với dân, giải quyết TTHC cho người dân hiệu quả
và nhanh chóng hơn. Làm sao để người dân chúng tôi đỡ mất công đi lại, chỉ cần
tới một điểm mà có thể giải quyết được cơ bản các giấy tờ hành chính”.
Xác định khối lượng công
việc trong tuần đầu vận hành bộ máy mới sẽ tăng cao, cán bộ tiếp nhận hồ sơ ở tất
cả các lĩnh vực vừa tiếp công dân, vừa chủ động cập nhật lại phần mềm tiếp nhận
và giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình 2 cấp.
“Một vài quy trình có thể
chậm hơn do cán bộ vừa làm, vừa xin ý kiến chỉ đạo, nhưng tinh thần chung là sẽ
nhanh chóng điều chỉnh và hoàn thiện” - chị Phạm Ngọc Hạnh, công chức tư pháp -
hộ tịch, xã Đồng Phú, chia sẻ.
Trung tâm Phục vụ hành
chính công phường Đồng Xoài trong tuần đầu vận hành bộ máy, mọi hoạt động đều
diễn ra thuận lợi do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống máy
móc, đường truyền, quá trình tiếp nhận, xử lý TTHC diễn ra nhanh chóng.
“Cán bộ, công chức được bố
trí tại trung tâm hành chính công đều có năng lực, am hiểu các lĩnh vực chuyên
môn, công nghệ thông tin để đảm bảo xử lý nhanh, hiệu quả nhất TTHC cho người
dân” - Phó giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Đồng Xoài Trần Anh
Mỹ nói.
Đảm bảo thông suốt hệ thống
công nghệ thông tin
Sau sáp nhập, tỉnh Đồng
Nai có 95 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 23 phường và 72 xã, theo Nghị quyết
số 1662/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính
cấp xã năm 2025. Không chỉ cải cách cơ cấu tổ chức, Đồng Nai còn chuyển mình mạnh
mẽ trong phương thức phục vụ thông minh, linh hoạt bằng ứng dụng công nghệ số.
100% xã, phường được kết nối trực tuyến với tỉnh và các bộ, ngành, bảo đảm
thông tin thông suốt, nhanh, chuẩn xác.
Để hệ thống vận hành liên
tục, không ngắt quãng, các nhà mạng trên địa bàn tỉnh đã tích cực vào cuộc để
cùng với các địa phương chuẩn hóa dữ liệu, nâng cấp phần mềm, rà soát hạ tầng,
chuyển đổi nền tảng kỹ thuật, đồng bộ hóa dữ liệu trên Cổng dịch vụ công quốc
gia, trục liên thông văn bản, cập nhật lại tài khoản người dùng, phân quyền
truy cập hệ thống theo cơ cấu bộ máy mới và cử đội ngũ kỹ thuật trực 24/7 hỗ trợ
xử lý sự cố, đảm bảo thông suốt hoạt động chỉ đạo điều hành.
Phó giám đốc VNPT Bình
Phước (cũ) Nguyễn Bình Minh cho biết: “Để đảm bảo cho bộ máy mới hoạt động
thông suốt, nhà mạng VNPT đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh để
triển khai đồng bộ các giải pháp về hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin,
nhằm đảm bảo bộ máy chính quyền mới hoạt động ổn định ngay từ ngày đầu sắp xếp.
Đặc biệt, nhà mạng cũng tập trung nâng cấp hạ tầng máy chủ và lưu trữ tại Trung
tâm Tích hợp dữ liệu, kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng tới cấp xã, bảo đảm
băng thông, đáp ứng nhu cầu họp từ xa trong bối cảnh khoảng cách địa lý giữa
các xã, phường tăng lên sau sáp nhập”.
Đồng Nai đã ban hành danh
mục thủ tục hành chính được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành
chính công tỉnh và 95 xã, phường. Người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu danh
sách 1.821 thủ tục hành chính cấp tỉnh và 376 thủ tục hành chính cấp xã trên địa
bàn tỉnh. Từ ngày 1-7, khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, toàn bộ thủ tục
hành chính sẽ chuyển về điểm phục vụ hành chính công xã, phường, người dân có
thể đến trực tiếp hoặc làm online qua thiết bị di động trên Cổng dịch vụ
công quốc gia.
“Quy trình tiếp nhận, hướng
dẫn và xử lý hồ sơ diễn ra nhanh hơn, thuận tiện, bởi đã được số hóa. Người dân
chúng tôi tin tưởng khi mở rộng địa giới hành chính, nếu làm thủ tục được ở nhiều
nơi, không ràng buộc địa giới hành chính cụ thể như hiện nay sẽ tạo thuận lợi rất
lớn cho người dân” - ông Ngô Quốc Chiến, người dân phường Bình Phước, kỳ vọng.
Việc sắp xếp lại các đơn
vị hành chính và tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương lớn,
nhằm xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho
người dân và doanh nghiệp. Như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Chính quyền 2 cấp
đi vào vận hành, trong đó cấp xã, phường gần dân, sát với dân và nắm rõ tâm tư
nguyện vọng của dân nhất, vì thế phải tạo đột phá trong cải cách hành chính và
chuyển đổi số, không để tư duy cũ, cách làm cũ kìm hãm sự phát triển.
Với quyết tâm của cả hệ
thống chính trị, Đồng Nai bước vào “thời kỳ mới của công cuộc đổi mới toàn diện”
bằng sự chủ động, sáng tạo và bài bản, góp phần kiến tạo một nền hành chính quốc
gia hội nhập và phát triển bền vững.
Theo Baodongnai