Đây là mục tiêu được Phó
chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà đưa ra tại buổi làm việc với các sở, ngành, đơn vị
chủ đầu tư và các địa phương bàn
về các giải pháp, hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm
2025 trên địa bàn tỉnh ngày 13-5.

Phó
chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Tùng
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh
Hồ Văn Hà, Đồng Nai là địa phương có cơ cấu kinh tế lớn thứ 4 cả nước, do đó, tỷ
lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng phải thực hiện đạt tương ứng với quy mô cơ cấu
kinh tế của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu đến
cuối tháng 6-2025, Đồng Nai nằm trong top 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn
đầu tư công cao nhất cả nước, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà yêu cầu Sở Tài
chính rà soát, xác định tỷ lệ giải ngân vốn cần phải đạt được của tỉnh tính đến
thời điểm trên.
Đồng thời, tham mưu UBND
tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện để các sở, ngành, đơn vị chủ đầu tư và các địa
phương triển khai thực hiện. “Người đứng đầu các đơn vị phải trực tiếp ký vào
biên bản cam kết giải ngân vốn để chịu trách nhiệm trong quá trình triển khai
thực hiện”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà nhấn mạnh.
Theo Sở Tài chính, tổng
nguồn vốn đầu tư công năm 2025 trên địa bàn tỉnh tính đến ngày 8-5 là gần 16,6
ngàn tỷ đồng. Đồng Nai thuộc
nhóm địa phương được giao kế hoạch đầu tư công năm 2025 nằm
trong tốp lớn gồm các địa phương Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các
tỉnh Bình Dương, Bình Phước.
Tính đến ngày 8-5, tổng
nguồn vốn đầu tư công đã được giải ngân trên địa bàn tỉnh là hơn 1,8 ngàn tỷ đồng,
đạt hơn 11% kế hoạch. Tính riêng 4 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư
công của tỉnh thuộc nhóm các tỉnh thấp hơn mức trung bình chung của cả nước.
Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ
giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm còn đạt thấp, Sở Tài chính cho
rằng, khối lượng giải ngân các tháng đầu năm tập trung vào các dự án chuyển tiếp,
đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh; một số dự án bố trí vốn khởi công mới
đang thực hiện bước thiết kế thi công và dự toán nên khối lượng thanh toán các
chi phí tư vấn không nhiều. Các dự án này theo tiến độ đến quý III mới có kết
quả lựa chọn nhà thầu thi công và giải ngân khối lượng thi công xây dựng; các dự
án bố trí vốn thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đang thực hiện thủ tục
kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất … Theo tiến độ đến quý III-2025, ban hành quyết
định phê duyệt phương án bồi thường và giải ngân vốn theo kế hoạch được giao…
Về giải pháp thúc đẩy giải
ngân vốn đầu tư công thời gian tới, Sở Tài chính đề xuất UBDN tỉnh chỉ đạo các
đơn vị liên quan tập trung quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di
dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, tiến độ thi công, phối hợp tháo gỡ khó
khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên, vật liệu xây dựng. Tổ công tác giải ngân
vốn đầu tư công các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại hiện trường
đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử
lý nghiêm theo quy định đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá
nhân cố tình làm chậm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn…
Theo
BaoDongNai