Ngày 22-4, UBND tỉnh có Công văn số 4646 về việc tổ chức
lấy ý kiến cử tri và tổ chức kỳ họp HĐND các cấp về chủ trương sắp xếp đơn vị
hành chính.

Khu vực phường Hiệp Hòa và phường An Bình (thành phố Biên
Hòa) nhìn từ trên cao. Sau sắp xếp, dự kiến 2 phường này sẽ sáp nhập cùng với
các phường Bửu Long, Thống Nhất, Trung Dũng, Quang Vinh thành một "siêu
phường" trung tâm mang tên Trấn Biên. Ảnh: Minh Tài
Theo đó, để đảm bảo thực hiện quy
trình tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành
chính, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện trên cơ sở Đề án sắp xếp đơn vị
hành chính cấp xã của tỉnh Đồng Nai năm 2025 và Đề án sắp xếp, sáp nhập tỉnh
Bình Phước và tỉnh Đồng Nai đăng tải tài liệu trên Cổng thông tin điện tử cấp
huyện; chỉ đạo, tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân và tổ chức kỳ họp HĐND cấp xã,
cấp huyện trên địa bàn theo quy định.
Đối với Đề
án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đồng Nai, sau sắp xếp, từ 159
đơn vị hành chính cấp xã hiện nay sẽ sáp nhập thành 55 đơn vị hành chính cấp xã
mới, giảm hơn 65% số phường, xã.
Biên Hòa còn 9 đơn vị hành
chính cấp phường/xã, có “siêu phường” gần 200 ngàn người
Trong phương án dự kiến 55 phường,
xã tại Đồng Nai, thành phố Biên Hòa vốn là một trong những
thành phố trực thuộc tỉnh có dân số lớn nhất nước, vẫn có dân số cực lớn. Cụ thể,
sau sắp xếp từ 25 phường, xã (24 phường và 1 xã) sẽ còn 9 đơn vị hành
chính cấp phường, xã gồm: Biên Hòa, Trấn Biên, Tam Hiệp, Long Bình, Trảng Dài,
Hố Nai, Long Hưng, Phước Tân, Tam Phước.
Với phương án 9 đơn vị này, Biên
Hòa được đề xuất giữ lại thành tên một phường mới (trên cơ sở nhập 4
phường Tân Hạnh, Hóa An, Bửu Hòa, Tân Vạn) cùng với tên Trấn Biên (trên cơ sở
sáp nhập 6 phường Bửu Long, Quang Vinh, Trung Dũng, Thống Nhất, Hiệp Hòa, An
Bình). Đây là những cái tên mang yếu tố văn hóa lịch sử, gắn bó với quá trình
hình thành vùng đất và mang nhiều ý nghĩa đối với biết bao thế hệ người dân nơi
đây. Đáng chú ý, phường Trấn Biên sẽ trở thành “siêu phường” trung tâm với dân
số trên 197 ngàn người, đông nhất tỉnh.
Bên cạnh đó, phường Long Bình
(trên cơ sở sáp nhập 3 phường Long Bình, Hố Nai, Tân Biên) cũng có dân số sau sắp
xếp cực “khủng” với trên 168,6 ngàn người và phường Tam Hiệp (trên cơ sở sáp nhập
4 phường Tân Hiệp, Tân Mai, Tam Hiệp, Bình Đa) với dân số trên 139,4 ngàn người.
Ngoài ra, theo đề xuất, Trảng Dài
vốn được xem là “siêu phường” ở Biên Hòa trước đây sẽ nhập thêm xã Thiện Tân của
huyện Vĩnh Cửu, thành phường mới Trảng Dài với quy mô dân số 104 ngàn người
(con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều).
Như vậy, sau sắp xếp, sáp nhập,
thành phố Biên Hòa hiện hữu sẽ có 4 “siêu phường” với quy mô dân số trên 100
ngàn người.
Đề xuất giữ lại nhiều tên gắn
bó với vùng đất, con người
Trong khi đó, ở thành phố
Long Khánh từ 13 phường, xã cũng đề xuất còn 5 đơn vị phường,
xã. Thành phố Long Khánh đề xuất giữ lại các tên quen thuộc như Long Khánh,
Bình Lộc, Hàng Gòn, Bảo Vinh, Xuân Lập.
Huyện Long Thành, nơi đang
là đầu mối giao thông quan trọng với các tuyến đường huyết mạch của Đồng Nai
như quốc lộ 51 và đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây,
đặc biệt là Sân bay quốc tế Long Thành sắp đi vào hoạt động, từ 14 xã, thị trấn
còn 5 đơn vị. Huyện cũng đề xuất giữ lại các tên Long Thành, Bình
An, Long Phước, Phước Thái, An Phước. Trong đó, điểm nhấn xã Long Thành mới với
quy mô dân số hơn 93 ngàn người và diện tích khoảng 130 km2.
Huyện Nhơn Trạch từ
12 xã, thị trấn đề xuất giữ lại tên 3 đơn vị gồm Nhơn Trạch, Đại
Phước, Phước An.
Huyện Trảng Bom từ 17
xã, thị trấn còn 5 đơn vị. Cụ thể, huyện đề xuất giữ các tên Trảng
Bom, An Viễn, Bình Minh, Bàu Hàm, Hưng Thịnh.
Huyện Thống Nhất từ
10 xã, thị trấn sau sắp xếp tinh gọn còn 3 đơn vị hành chính gồm:
Thống Nhất, Dầu Giây, Gia Kiệm. Đây đều là những tên gọi nhiều ý nghĩa, góp phần
bảo tồn văn hóa, đặc trưng của vùng đất.
Huyện Cẩm Mỹ còn 5
đơn vị hành chính gồm Cẩm Mỹ, Xuân Đông, Xuân Đường, Sông Ray, Xuân Quế.
Huyện Xuân Lộc từ 15
xã, thị trấn đề xuất còn 6 đơn vị hành chính. Huyện đề xuất giữ
các tên Xuân Lộc, Xuân Định, Xuân Phú, Xuân Thành, Xuân Bắc và Xuân Hòa.
Huyện Định Quán từ 14
xã, thị trấn còn 5 đơn vị gồm: La Ngà, Định Quán, Thanh Sơn,
Phú Vinh, Phú Hòa.
Huyện Tân Phú còn 5
đơn vị và đề xuất giữ các tên cũ như: Tà Lài, Nam Cát Tiên, Tân Phú,
Phú Lâm, Đak Lua.
Huyện Vĩnh Cửu được đề
xuất còn 4 đơn vị gồm: Tân Triều, Phú Lý, Trị An, Tân An.
Trong đó, có xã Trị An (trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị xã Mã Đà, xã Trị An và thị
trấn Vĩnh An) thành một “siêu xã” về quy mô diện tích “khủng” nhất tỉnh với tổng
diện tích trên 660,4km2.
Một số phường, xã giữ nguyên
và một số phải sáp nhập với các phường, xã của đơn vị cấp huyện lân cận
Đáng chú ý, trong phương án sắp xếp
dự kiến 55 phường, xã tại Đồng Nai, có tổng cộng 5 phường, xã giữ nguyên, không
thực hiện sáp nhập. Cụ thể là 2 phường Phước Tân, Tam Phước (thành phố Biên
Hòa), xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), xã Đak Lua (huyện Tân Phú) và xã Phú Lý
(huyện Vĩnh Cửu) được đề xuất giữ nguyên toàn bộ diện tích, dân số và tên gọi.
Trong đó, phường Phước Tân hiện
trạng có diện tích 42,83km2, quy mô dân số khoảng 64,1 ngàn người;
phường Tam Phước có diện tích 45,09km2, quy mô dân số khoảng 48,3
ngàn người. Xã Thanh Sơn với diện tích 315,4km2, quy mô dân số trên
33,3 ngàn người.
Đặc biệt với vị trí biệt lập, xã
Đak Lua có quy mô diện tích lớn nhất đứng thứ hai của tỉnh với với trên 415km2,
dân số hơn 8,2 ngàn người; xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) với diện tích 279km2,
dân số gần 16 ngàn người, là những đơn vị hành chính cấp xã không thực hiện sáp
nhập.
Bên cạnh đó, trong quá trình sắp
xếp, có một số đơn vị hành chính phải sáp nhập với các phường, xã của đơn vị cấp
huyện lân cận.
Cụ thể, phường Tân Hòa của Biên
Hòa sẽ sáp nhập với xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom thành đơn vị hành chính cấp xã
mới tên gọi Hố Nai. Hay Trảng Dài của Biên Hòa sẽ sáp nhập với xã Thiện Tân,
huyện Vĩnh Cửu thành đơn vị hành chính cấp xã mới tên gọi Trảng Dài.
Ba xã của huyện Vĩnh Cửu là Tân
Bình, Bình Lợi, Thạnh Phú sẽ gộp thêm với phường Tân Phong của thành phố Biên
Hòa, thành phường mới với tên gọi dự kiến Tân Triều với tổng số dân hơn 101,6
ngàn người.
Ngoài ra theo đề xuất, 2 xã Xuân
Định, Bảo Hòa của huyện Xuân Lộc sẽ sáp nhập thêm xã Xuân Bảo của Cẩm Mỹ, dự kiến
tên gọi là Xuân Định và trung tâm hành chính đặt tại UBND xã Xuân Định hiện
nay...
Nguồn: baodongnai