Theo Đề án sắp xếp, tổ chức
lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa
phương 2 cấp (Đề án) được Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 759/QĐ-TTg
ngày 14-4-2025, ngoài 11 tỉnh, thành không thực hiện sáp nhập, 52 tỉnh, thành
còn lại sẽ sáp nhập thành 23 tỉnh, thành mới. Điều này cũng dẫn tới sự thay đổi
lớn trên “bảng xếp hạng” quy mô diện tích, dân số các tỉnh, thành.

Một góc trung tâm đô thị
Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hiện nay. Ảnh: Minh Tài
“Lộ diện” 5 tỉnh, thành
có diện tích và quy mô dân số lớn nhất nước
Đề án nêu rõ, trên cơ sở
nghiên cứu lịch
sử hình thành, phát triển, quá trình sắp xếp ĐVHC các cấp ở Việt Nam, cơ sở
khoa học về các yếu tố cấu thành ĐVHC cấp tỉnh và kinh nghiệm quốc tế, đề xuất
6 tiêu chí sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh gồm: diện tích tự nhiên; quy mô dân
số; tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc; tiêu chí về địa kinh tế;
tiêu chí về địa chính trị; tiêu chí về quốc phòng, an ninh.
Theo đó, có 52 ĐVHC cấp tỉnh
thực hiện sắp xếp thành 23 tỉnh, thành mới. Trong đó, tỉnh mới Lâm Đồng (trên
cơ sở sáp nhập tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng) sẽ trở thành địa
phương rộng lớn nhất cả nước với tổng diện tích 24.233,1km2 và
quy mô dân số 3.324.400 người.
Tỉnh rộng thứ 2 sẽ là tỉnh
mới Gia Lai (trên cơ sở sáp nhập tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định) với diện tích
21.576,5km2 và quy mô dân số 3.153.300 người.
Tỉnh mới Đắk Lắk (trên cơ
sở sáp nhập tỉnh Phú Yên và tỉnh Đắk Lắk) sẽ là tỉnh rộng thứ 3 với diện tích
18.096km2 và quy mô dân số 2.831.300 người.
Cả 3 tỉnh mới sau sáp nhập
này đều có diện tích tự nhiên lớn hơn tỉnh lớn nhất nước hiện nay là Nghệ An với
16.493,7km2. Sau sáp nhập, Nghệ An từ vị trí đứng đầu trên “bảng xếp
hạng” diện tích sẽ xếp vị trí thứ 4 cả nước.
Ở vị trí thứ 5 là tỉnh mới
Quảng Ngãi (trên cơ sở sáp nhập tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi) với diện tích
14.832,6km2.
Trong khi đó, về quy mô
dân số sau sáp nhập, Thành phố Hồ Chí Minh (trên cơ sở sáp nhập tỉnh Bà Rịa -
Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh thành 1 thành phố trực thuộc
Trung ương) sẽ có quy mô dân số đông nhất cả nước với 13.608.800 người.
Kế đến là thành phố Hà Nội,
là địa phương không thực hiện sắp xếp, với quy mô dân số ước tính khoảng
8.718.000 người (số liệu năm 2024).
Tỉnh mới Đồng Nai (trên
cơ sở sáp nhập tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai) với tổng dân số sau sáp nhập
là 4.427.700 người đứng vị trí thứ 3.
Ở vị trí thứ 4 là thành
phố Hải Phòng (trên cơ sở sáp nhập tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng thành
1 thành phố trực thuộc Trung ương) với quy mô dân số 4.102.700 người.
Tiếp đến là tỉnh mới Ninh
Bình (trên cơ sở sáp nhập tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định) với quy
mô dân số sau sáp nhập là 3.818.700 người.
Đề án sắp xếp, tổ chức lại
ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đặt
mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho
ĐVHC mới; phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực
tăng trưởng; ưu tiên sắp xếp các ĐVHC miền núi, đồng bằng với các ĐVHC có biển;
kết hợp hài hòa, hợp lý các ĐVHC có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng
phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế của ĐVHC sau sắp
xếp và yêu cầu, định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai
đoạn mới.
Sáp nhập tỉnh Bình Phước
và tỉnh Đồng Nai thành 1 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đồng Nai, trung tâm hành
chính - chính trị đặt tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai hiện nay, vì sao?
Theo Đề án, nguyên
tắc xác định trung tâm hành chính - chính trị mới của một trong số
các ĐVHC hiện nay là trung tâm hành chính - chính trị của ĐVHC mới để bảo đảm
chính quyền địa phương nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định.
Trong đó, đối với quyết định
sáp nhập tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai thành 1 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đồng
Nai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
hiện nay cho thấy các yếu tố phù hợp và tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho khu vực.
Bởi, hiện tỉnh Đồng Nai đã có cơ sở hạ tầng hành chính sẵn có, giúp quá trình
chuyển giao và ổn định bộ máy chính quyền của tỉnh mới diễn ra một cách suôn sẻ,
nhanh chóng.
Ngoài ra, thành phố Biên
Hòa, tỉnh Đồng Nai hiện nay có vị trí địa lý chiến lược, là trung tâm kinh tế,
chính trị, văn hóa và giao thông quan trọng của tỉnh Đồng Nai và khu vực. Biên
Hòa là đầu mối giao thông quan trọng với nhiều tuyến quốc lộ huyết mạch đi qua
như quốc lộ 1, quốc lộ 51, tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua, nhiều dự án giao
thông trọng điểm quốc gia đang xây dựng, đặc biệt là Dự án Sân bay quốc tế Long
Thành, có vị trí rất gần thành phố. Với hệ thống giao thông hiện hữu và tiềm
năng từ sân bay Long Thành sẽ tạo điều kiện kết nối vô cùng thuận lợi cho tỉnh
mới với các khu vực xung quanh, “siêu đô thị mới” Thành phố Hồ Chí Minh và các
trung tâm kinh tế của cả nước, quốc tế.
Đề án cũng nhấn mạnh
nguyên tắc “Trung tâm hành chính - chính trị mới cần có không gian phát triển
trong tương lai; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của ĐVHC mới”.
Như vậy, Biên Hòa và khu vực lân cận vẫn còn nhiều dư địa để phát triển và mở rộng
không gian đô thị.
Với vị trí trung tâm của
một tỉnh mới có tiềm năng kinh tế đa dạng, trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp,
dịch vụ thương mại, nông nghiệp, du lịch..., Biên Hòa sẽ là “hạt nhân” thúc đẩy
sự phát triển toàn diện của tỉnh.
Việc lựa chọn Biên Hòa
làm trung tâm hành chính - chính trị cũng đảm bảo sự hài hòa, hợp lý trong quá
trình sáp nhập khi xét về quy mô đô thị, hạ tầng và vị trí kết nối. Bởi sau khi
ĐVHC mới đi vào hoạt động ổn định, theo nguyên tắc thứ tư của Đề án, tỉnh mới
hoàn toàn “có thể nghiên cứu quy hoạch, xây dựng các trung tâm hành chính -
chính trị mới hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển chung của địa phương và tạo
ra không gian phát triển mới”.
Trong tương lai, tỉnh Đồng
Nai mở rộng với trung tâm Biên Hòa hứa hẹn sẽ là một trung tâm kinh tế, chính
trị, văn hóa năng động, có vai trò quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung
của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Đề án cũng nêu rõ, việc đặt
tên cho ĐVHC sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận
trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa. Do đó, việc lấy tên tỉnh mới
là Đồng Nai cũng mang tính chiến lược bởi Đồng Nai đã là một “thương hiệu” kinh
tế mạnh mẽ và có vị thế nhất định trong khu vực Đông Nam Bộ và cả nước. Điều
này sẽ giúp tỉnh mới phát huy lợi thế so sánh của địa phương trong thu hút đầu
tư, phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với xu thế hội nhập sâu rộng hơn.
Hà
Lê - baodongnai