Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật năm 2025 đã bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của
chính quyền cấp xã để bảo đảm thống nhất với nội dung đề xuất nêu tại đề án đổi
mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật mà Đảng đoàn Quốc hội đã trình Bộ
Chính trị.
Từ (1-4), Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 chính thức có hiệu lực thi hành. Luật có 9
chương và 72 điều, được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 với tỷ lệ
tán thành 96,03%.
Luật tiếp tục đơn giản hóa hệ thống
văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, tiếp
tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng và vận hành hệ thống văn bản
quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch… tạo động lực mới cho sự phát
triển nhanh và bền vững của đất nước.
Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật năm 2025 quy định ngắn gọn hơn, phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập
quy, cụ thể:
Luật chỉ quy định cụ thể trình tự,
thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội; văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, nghị quyết của Hội đồng
thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối
cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và văn
bản liên tịch.
Giao Chính phủ quy định chi tiết
trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính quyền địa
phương.
Với cách làm này, Luật chỉ quy định
những vấn đề chung, thuộc thẩm quyền của Quốc hội, do đó đã gọn hơn, với 72 điều
(giảm 101 điều tương ứng với 58,4% số điều so với Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật năm 2015).
Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật năm 2025 đã bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của
chính quyền cấp xã để bảo đảm thống nhất với nội dung đề xuất nêu tại đề án đổi
mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật mà Đảng đoàn Quốc hội đã trình Bộ
Chính trị.
Luật cũng bổ sung quy định Chính
phủ ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật để kịp thời giải quyết vướng mắc
trong thực tiễn quản lý nhà nước và quy định giải pháp thúc đẩy phát triển kinh
tế-xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Chính phủ, trong
đó có việc quy định thí điểm một số chính sách chưa có pháp luật điều chỉnh thuộc
thẩm quyền của Chính phủ hoặc khác với nghị định, nghị quyết hiện hành.
Với tinh thần mỗi nhiệm vụ chỉ
giao cho một chủ thể chủ trì và chịu trách nhiệm, Luật phân định rõ vị trí, vai
trò và trách nhiệm của Chính phủ và Quốc hội trong quy trình xây dựng pháp luật.
Theo đó, Chính phủ làm đúng vai
là cơ quan trình dự án luật và chịu trách nhiệm đến cùng với dự án luật do mình
trình; Quốc hội là cơ quan lập pháp, có quyền thông qua hoặc không thông qua dự
án luật do Chính phủ trình. Cách làm này giúp bảo đảm chất lượng văn bản Luật
và tạo thuận lợi trong khâu tổ chức thi hành, bảo đảm sự gắn kết giữa công tác
xây dựng và tổ chức thi hành Luật.
Theo nhandan.vn