Bộ
trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Sau Hội nghị Trung ương sẽ có một hội nghị
toàn quốc để triển khai sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và sắp xếp lại đơn
vị hành chính cấp xã.

Tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn để triển khai
sáp nhập, sắp xếp
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau cuộc họp của
Bộ Chính trị thống nhất chủ trương về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính
các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Đảng ủy Chính
phủ gửi đề án lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, sau đó tổng hợp và báo
cáo Ban Chấp hành Trung ương, dự kiến vào trung tuần tháng 4/2025 - TTXVN đưa
tin.
Theo đó, sau Hội nghị Trung ương sẽ có một hội nghị toàn quốc
để triển khai sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và sắp xếp lại đơn vị hành
chính cấp xã.
Như vậy, nhiệm vụ của các bộ, ngành là phải tập trung ban
hành các văn bản hướng dẫn có liên quan theo thẩm quyền và trách nhiệm của
mình, làm căn cứ để sau Hội nghị Trung ương có thể triển khai việc sáp nhập, sắp
xếp.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng việc này không khó vì
đã có kinh nghiệm trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong
những lần trước đây, giờ chỉ tiếp tục điều chỉnh, mở rộng, bổ sung cho rõ và
phù hợp với quy mô là sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và sắp xếp lại đơn vị
hành chính cấp xã.
“Sau cuộc họp của Bộ Chính trị, toàn bộ những nội dung liên
quan, số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh phải sắp xếp, sáp nhập lại đã
rõ.
Đồng thời cũng rõ được mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
(chính quyền cấp tỉnh và cấp dưới tỉnh) như thế nào, tổ chức lại đơn vị hành
chính cấp xã, hay còn gọi là cấp cơ sở, như thế nào để bảo đảm”, Bộ trưởng nói.
Sau sáp nhập, sắp xếp, chỉ còn khoảng 2000 xã, mỗi xã
"gần như một huyện nhỏ"
Theo bà, hiện đang có 10.035 đơn vị hành chính cấp xã, tới
đây sẽ tổ chức lại quy mô chỉ còn khoảng 2.000 xã, mỗi xã “gần như là một huyện
nhỏ”.
Các việc liên quan đến tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã
thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc này có thể làm được ngay
sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương.
Vì vậy các bộ, ngành phải tập trung hướng dẫn tất cả các văn
bản có liên quan. Việc này phải thực hiện rất gấp, các bộ phải gửi về Bộ Nội vụ
sớm để chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc sau hội nghị Ban Chấp hành Trung ương.
Cũng theo bà Phạm Thị Thanh Trà, Phó Thủ tướng Thường trực
Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại
đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2
cấp sẽ có chỉ đạo gấp để tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát lại toàn bộ
văn bản pháp luật (luật, nghị định).
Nếu các luật chuyên ngành liên quan đến thẩm quyền của đơn vị
hành chính cấp huyện thì phải xử lý bằng một nghị quyết.
Việc này phải rà soát rất nhanh để tổng hợp báo cáo Bộ Tư
pháp đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết xử lý vấn đề liên
quan đến các luật chuyên ngành về tổ chức đơn vị hành chính các cấp.
SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH: Dự kiến giảm khoảng 50% đơn vị
cấp tỉnh, 60-70% đơn vị cấp cơ sở
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, chiều 11/3, đồng
chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, tiếp tục cho ý
kiến về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính
quyền địa phương 2 cấp, hoàn thiện thêm một bước Đề án để trình cấp có thẩm quyền.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số
nội dung của Đề án như tiêu chí sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính;
phương án, định hướng sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính; tiêu chí, phương
án lựa chọn nơi đặt trung tâm chính trị, hành chính của đơn vị hành chính mới
được thành lập; phương án xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp…
Phát biểu kết luận, Bí thư Đảng ủy, Thủ tướng Chính phủ Phạm
Minh Chính nêu rõ, đại đa số các ý kiến, dư luận nhân dân đồng tình cao với chủ
trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa
phương 2 cấp, để phù hợp tình hình mới, khả năng quản lý hiện nay khi điều kiện
hạ tầng giao thông, hạ tầng số được cải thiện mạnh mẽ, đồng thời tạo không gian
phát triển mới, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh
tranh của từng địa phương.
Về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đó là cấp tỉnh (gồm
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp cơ sở, phiên họp thống nhất dự
kiến trình cấp có thẩm quyền phương án sau khi sắp xếp sẽ giảm khoảng 50% số
đơn vị hành chính cấp tỉnh và giảm khoảng 60 - 70% đơn vị hành chính cấp cơ sở
so với hiện nay.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu với việc sắp xếp, tổ chức lại
đơn vị hành chính các cấp là tăng cường thẩm quyền, nêu cao hơn nữa tính tự lực,
tự chủ, tự cường của cấp địa phương; chính quyền gần dân hơn, sát dân hơn, giải
quyết công việc cho dân thuận lợi hơn; mang lại lợi ích cho người dân nhiều
hơn, nhân dân ngày càng hạnh phúc và ấm no; tạo sự đồng thuận của người dân.
BỘ CHÍNH TRỊ CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG ĐỀ ÁN SÁP NHẬP MỘT SỐ ĐƠN VỊ
HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH, KHÔNG TỔ CHỨC CẤP HUYỆN, TIẾP TỤC SÁP NHẬP ĐƠN VỊ HÀNH
CHÍNH CẤP XÃ
Trước đó, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần
Cẩm Tú đã ký Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 về triển khai nghiên cứu, đề
xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Để bảo đảm thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ,
giải pháp nêu tại Kết luận số 121-KL/TW, ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương
Đảng khoá XII và Kết luận số 126-KL/TW, ngày 14/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban
Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của
hệ thống chính trị năm 2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức
đảng tập trung thực hiện tốt các nội dung:
Xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh,
không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã:
Giao Đảng uỷ Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức
Trung ương, Đảng uỷ Quốc hội, Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
và các cơ quan liên quan chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng đề án, tờ trình Bộ Chính
trị về sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp
tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, trong đó:
(1) Đối với cấp tỉnh: Ngoài căn cứ về quy mô dân
số, diện tích, cần nghiên cứu kỹ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng,
quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triền ngành,
mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát
triển đối với từng địa phương và yêu cầu, định hướng phát triển của giai đoạn mới...
làm cơ sở, căn cứ khoa học trong sắp xếp.
(2) Đối với cấp xã: Cần xác định rõ các mô hình
chính quyền địa phương cấp xã đối với khu vực đô thị, nông thôn, miền núi, đồng
bằng, hải đảo, quy mô dân số, diện tích, lịch sử, văn hoá, các vấn đề về kinh tế
- xã hội, quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo... Xây dựng chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn, tổ chức bộ máy, định biên của chính quyền địa phương cấp xã.
(3) Làm rõ mối quan hệ công tác giữa các cấp chính quyền
địa phương (giữa cấp tỉnh và cấp xã); mối quan hệ công tác theo ngành dọc từ
Trung ương đến cấp xã (giữa bộ, ngành Trung ương, các sở chuyên ngành
và đơn vị, cá nhân phụ trách theo lĩnh vục), bảo đảm hoạt động thuận lợi, đồng
bộ, liên thông, hiệu lực, hiệu quả; xác định rõ các điều kiện bảo đảm để chính
quyền cấp xã hoạt động hiệu quả trước, trong và sau khi sắp xếp.
- Đảng ủy Chính phủ khẩn trương triển khai thực hiện, bảo
đảm tiển độ cụ thể như sau:
+ Báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương trước khi xin ý kiến
các cấp ủy, tổ chức đảng chậm nhất ngày 09/3/2025.
+ Tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoàn thiện đề án
gửi xin ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ
quan, tổ chức, ban đảng Trung ương chậm nhất ngày 12/3/2025.
+ Tiếp thu ý kiến góp ý của các tỉnh ủy, thành ủy, đảng uỷ
trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, ban đảng Trung ương, hoàn thiện đề
án, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước ngày 27/3/2025.
+ Tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ý kiến các cơ
quan, hoàn thiện đề án, tờ trình; trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng (qua Ban
Tổ chức Trung ương) trước ngày 07/4/2025.
Xây dựng đề án sắp xếp, tinh gọn các cơ quan Mặt trận Tổ
quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước
giao nhiệm vụ (cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã) sau khi sáp nhập, hợp nhất
Giao Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương chủ
trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng uỷ Chính phủ, Đảng uỷ Quốc hội
và các cơ quan liên quan nghiên cứu định hướng, xây dựng đề án, tờ trình Bộ
Chính trị về:
(1) Tổng rà soát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các
cơ quan, tổ chức trực thuộc, nhất là các cơ quan báo chí nhằm bảo đảm quản lý
thống nhất, hiệu quả hoạt động theo hướng tinh gọn tối đa, chỉ duy trì các đơn
vị thực sự cần thiết.
(2) Sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần
chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Uỷ ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam (đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng hiện nay).
Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương khẩn
trương triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ cụ thể như sau:
+ Báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương trước khi xin ý kiến
các cấp ủy , tổ chức đảng chậm nhất ngày 09/3/2025.
+ Tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoàn thiện đề án
gửi xin ý kiến các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các cơ
quan, tổ chức, ban đảng Trung ương chậm nhất ngày 12/3/2025.
+ Tiếp thu ý kiến góp ý của các tỉnh ủy, thành uỷ, đảng uỷ
trực thuộc Trung uơng, các cơ quan, tổ chức, ban đảng Trung ương, hoàn thiện đề
án, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước ngày 27/3/2025.
+ Tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ý kiến các cơ
quan, hoàn thiện đề án, tờ trình; trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng (qua Ban
Tổ chức Trung ương) trước ngày 07/4/2025.
Xây dựng đề án về hệ thống tổ chức đảng ở địa phương (cấp
tỉnh và cấp xã); xây dựng báo cáo, tờ trình gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ
quan nghiên cứu, xây dựng đề án về hệ thống tổ chức đảng ở địa phương (cấp tỉnh
và cấp xã, trong đó, tập trung nghiên cứu mô hình hệ thống tổ chức đảng đồng bộ,
tương ứng với tổ chức chính quyền; đẩy mạnh nâng cấp, giao quyền cho tổ chức đảng
ở cơ sở), báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương theo tiến độ chung (gửi xin ý kiến
các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, ban
đảng Trung ương chậm nhất ngày 12/3/2025).
Xây dựng đề án về hệ thống tòa án, viện kiểm sát ở địa
phương theo định hướng không tổ chức cấp huyện
- Giao Đảng uỷ Toà án nhân dân tối cao, Đảng uỷ Viện Kiểm
sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu,
xây dựng các đề án, tờ trình Bộ Chính trị về hệ thống toà án, viện kiểm sát ở địa
phương theo định hướng không tổ chức cấp huyện, báo cáo Bộ Chính trị cho chủ
trương trước khi xin ý kiến các cấp ủy, tổ chức đảng chậm nhất ngày 09/3/2025.
Xây dựng đề án về tiếp tục sắp xếp tổ chức Quân đội
Giao Quân ủy Trung ương căn cứ Kết luận số 126-KL/TW của Bộ
Chính trị, Ban Bí thư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo
nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tiếp tục sắp xếp tổ chức Quân đội phù hợp (trong
đó có tổ chức của cơ quan quân sự cấp huyện), chủ động đề xuất thời gian báo
cáo Bộ Chính trị theo tiến độ của Kết luận này.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, Hiến
pháp, pháp luật của Nhà nước
- Giao Ban Tổ chức Trung ương; Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Đảng
uỷ các cơ quan Đảng Trung ương; Đảng uỷ Chính phủ; Đảng uỷ Quốc hội; Đảng ủy Mặt
trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và các cơ quan liên quan trong quá trình
chuẩn bị các đề án, chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng,
Quy định về thi hành Điều lệ Đảng, về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của
Đảng, về đại hội đảng bộ các cấp, về kết thúc hoạt động của đảng bộ cấp huyện
và các quy định, hướng dẫn của Đảng có liên quan đến công tác xây dựng Đảng, hệ
thống tổ chức đảng ở địa phương, báo cáo Bộ Chính trị theo tiến độ chung, trình
Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước ngày 09/4/2025 (cho phù hợp tiến độ hoàn
thiện tờ trình Trung ương).
Giao Đảng ủy Quốc hội chủ trì, phối hợp với Đảng uỷ Chính phủ
chỉ đạo Đảng uỷ Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp, Đảng uỷ Bộ Tư pháp và các cơ quan
liên quan nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp với phạm
vi là các vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, báo cáo Bộ Chính trị
vào đầu tháng 3/2025 để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng (qua Ban Tổ chức
Trung uơng) trước ngày 07/4/2025; thời gian hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung một
số điều của Hiến pháp chậm nhất ngày 30/6/2025.
- Giao Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Quốc hội (theo phạm vi,
lĩnh vực) chủ trì, chỉ đạo Đảng uỷ Bộ Tư pháp, Đảng ủy Ủy ban Pháp luật và Tư
pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức
chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Thanh tra, Luật Quy hoạch,
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành văn
bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức toà án nhân dân, Luật Tổ chức viện kiểm
sát nhân dân, các luật liên quan, các văn bản, nghị định về cơ chế, chính sách
đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp
đơn vị hành chính ở địa phương và xứ lý tài sản nhà nước sau sắp xếp tổ chức bộ
máy ở địa phương, báo cáo Bộ Chính trị theo tiến độ chung và hoàn thành sửa đồi,
bổ sung pháp luật chậm nhất ngày 30/6/2025.
- Giao Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương chủ
trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định,
hướng dẫn liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn các cơ quan Mặt trận Tổ quốc,
các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm
vụ (cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã), báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem
xét theo thầm quyền và hoàn thành chậm nhất ngày 30/6/2025.
Tạm dừng tổ chức đại hội đảng bộ cấp xã, cấp huyện; sau Hội
nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị sẽ có chỉ đạo, hướng
dẫn cụ thể.
Nguồn:
xaydungchinhsach.chinhphu.vn