Thứ 6, Ngày 1/7/2016

Tọa đàm về sở hữu trí tuệ

Tại buổi tọa đàm trao đổi các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ (SHTT) do Bộ Khoa học - công nghệ (KH-CN) phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ KH-CN kiêm Cục trưởng Cục SHTT Trần Việt Thanh cho biết, trong những năm qua, mặc dù vấn đề về SHTT được các cấp quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp cũng như người dân quan tâm, song lợi thế và vai trò của SHTT chưa đáp ứng được nhu cầu.
 
Trong đó, số lượng đăng ký xác lập quyền bảo hộ SHTT còn thấp. Các vấn đề về thời gian, tính minh bạch, tính công khai, vấn đề bảo hộ và thực thi quyền SHTT còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, trong quá trình phát triển, hội nhập cần thực sự nỗ lực để SHTT đáp ứng nhu cầu, từng bước xứng tầm với sự phát triển.
 
Doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm
 
Trao đổi tại buổi tọa đàm, Phó giám đốc Sở KH-CN Ðồng Nai Nguyễn Văn Liệt cho biết, hoạt động SHTT trên địa bàn Ðồng Nai đang có nhiều khởi sắc và đóng góp một phần quan trọng cho vấn đề phát triển kinh tế - xã hội nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng. Cụ thể, thông qua hoạt động triển khai chương trình hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) và quảng bá các TSTT của Ðồng Nai, chương trình đã tác động để hơn 1.200 doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ quan tâm nộp đơn đăng ký bảo vệ tài sản của mình. Riêng trong năm 2014, Ðồng Nai đã thực hiện đề tài “Xác lập quyền chỉ dẫn địa lý Long Khánh cho sản phẩm chôm chôm”. Khi đề tài thành công, chắc chắn sản phẩm chôm chôm Long Khánh sẽ được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và bảo hộ TSTT của riêng mình. 
trang5_240415_1.jpg
Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh phát biểu tại buổi tọa đàm
 
Ông Nguyễn Văn Liệt cũng cho biết thêm, tính từ năm 2011 đến nay, Sở KH-CN đã tiếp nhận 2.916 hồ sơ đề nghị được thẩm định sáng kiến thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước, y tế, giáo dục, sản xuất từ Sở Nội vụ chuyển qua yêu cầu thẩm định sáng kiến chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Qua kết quả thẩm định có 2.443 sáng kiến đạt yêu cầu. Ở hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh, đến năm 2014 đã có 760 giải pháp dự thi ở nhiều lĩnh vực. Qua thẩm định, ban tổ chức đã quyết định xét trao giải chính thức cho 395 giải pháp. Chương trình 6 qua 14 lần tổ chức có trên 3.600 giải pháp tham gia, ban tổ chức đã thẩm định, xét trao giải chính thức cho 423 giải pháp… Những việc làm này đã góp phần đưa Ðồng Nai đứng trong 10 tỉnh, thành cả nước về thực hiện SHTT.
 
Phó giám đốc Sở KH-CN TP. Hồ Chí Minh Trịnh Minh Tâm, cho rằng, thực tế khảo sát tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, các DN vừa và nhỏ không phải không quan tâm đến bảo hộ TSTT mà họ khó khăn trong thực hiện để đảm bảo phát huy vai trò quan trọng của SHTT trong quá trình phát triển của DN. Nhiều ý kiến trong tọa đàm nhấn mạnh, trong giai đoạn hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, vấn đề bảo hộ TSTT, SHTT đã và đang được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là DN quan tâm….
 
Nâng cao ý thức coi trọng SHTT
 
Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho rằng, hiện nay, vấn đề vi phạm quyền SHTT không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà còn ở các quốc gia khác trên thế giới, kể cả các nước phát triển như Mỹ, Ðức, Pháp… Tuy nhiên, điểm yếu của Việt Nam là không chỉ riêng người dân chưa nhận thức về SHTT, mà ngay cơ quan quản lý và cộng đồng DN cũng chưa coi trọng vấn đề này. Trong môi trường kinh tế thị trường hiện nay, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng sáng chế là cách bảo hộ quyền lợi thiết thực trong kinh doanh của doanh nghiệp. Trong số 95.000 nhãn hiệu đăng ký bảo hộ tại Cục SHTT thì mới chỉ có 20% là của DN Việt Nam. Ða số nhãn hiệu đăng ký lại là của các doanh nghiệp tư nhân, rất ít doanh nghiệp nhà nước tham gia.
 
Phó cục trưởng, Cục SHTT Lê Ngọc Lâm cho rằng, chúng ta cần phải nhìn nhận một thực tế là, quyền SHTT ở Việt Nam bị xâm phạm ngày càng phức tạp. Hàng giả, hàng nhái, hàng sao chép, hàng lậu… đang được bày bán công khai ở mọi nơi. Nguy cơ này sẽ ngày càng tăng khi mà chúng ta mở cửa rộng rãi hơn. Ý thức của người tiêu dùng cũng là vấn đề đáng lo ngại. Nguyên nhân của hiện tượng này do hàng giả chỉ bằng 1/3 đến 1/10 giá của hàng thật nên người tiêu dùng dù biết là hàng giả nhưng vẫn dùng vì “giá rẻ”.
 
Ông Lê Ngọc Lâm nhấn mạnh: “Bên cạnh đó là sự cố tình vi phạm của các công ty về quyền SHTT đối với hàng hóa hay sản phẩm bán chạy cùng loại. Chúng ta có thế kể đến một loạt trường hợp bị vi phạm như của Công ty Honda Việt Nam, Công ty Unilever hay Công ty bia Hà Nội. Công ty Honda Việt Nam đã đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho loại xe Future nhưng lại bị khá nhiều công ty khác vi phạm khi lắp ráp các chi tiết tạo dáng cơ bản. Công ty Unilever đang được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa Omo và hình cho nhóm bột giặt và chất tẩy rửa. Tuy nhiên, công ty này cũng bị vi phạm quyền SHTT khi bị một công ty khác đăng ký và được bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá gần giống cho sản phẩm cùng loại”.
 
Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho rằng, cần phải thu thập thêm nhiều ý kiến, trao đổi để tiếp tục nâng cao hơn nữa ý thức coi trọng SHTT trong cộng đồng vì khi được chú trọng và khai thác một cách tối ưu, tài sản “vô hình” này sẽ giúp các DN tăng cường sức mạnh, nâng cao vị thế, uy tín và khả năng cạnh tranh để nâng cao doanh thu và lợi nhuận. Và vì thế, SHTT là một công cụ đắc lực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trong thời kỳ hội nhập hiện nay.
 
Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết, quyền SHTT gồm có 3 loại: loại thứ nhất là quyền tác giả và liên quan đến tác giả; loại thứ hai là quyền sở hữu công nghiệp và loại thứ 3 là quyền đối với giống cây trồng. Do đó, trong quá trình phát triển, các DN phải nỗ lực nhiều hơn, quan tâm hơn để bảo hộ TSTT của DN mình, khẳng định thương hiệu của chính DN trong quá trình hội nhập.
 
 
N. Hà

Liên kết website

Liên hệ

SỞ NỘI VỤ TỈNH ĐỒNG NAi

Số 2, Đường Nguyễn Văn Trị, TP. Biên Hòa, Đồng Nai

SỐ ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

Trung tâm Hành chính công: 0251.1022
Sở Nội vụ: 0251.3822.518

thư điện tử

sonoivu@dongnai.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Hữu Định - Giám đốc Sở Nội Vụ.